Hội thảo ‘Tham gia đề xuất mở rộng chính sách trợ giúp xã hội cho trẻ em trên địa bàn TP. Đà Nẵng’

Đà Nẵng, ngày 09/05/2025 – Hội thảo tham vấn về đề xuất mở rộng chính sách trợ giúp xã hội (TGXH) cho trẻ em trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã diễn ra thành công, với sự phối hợp tổ chức giữa Sở Y tế thành phố Đà Nẵng và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF Việt Nam). Sự kiện là một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Sáng kiến Thành phố thân thiện với trẻ em (CFCI) và Dự án Thành phố Lành mạnh cho Thanh thiếu niên – Giai đoạn II (HCA-II) tại Đà Nẵng, do Quỹ Botnar tài trợ và Ecorys quản lý.

Hội thảo quy tụ 27 đại biểu đến từ Ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân, mặt trận tổ quốc cùng các sở, ngành thành phố Đà Nẵng; đại diện Sở y tế từ các tỉnh Quảng Ninh, Bình Dương, Bắc Kạn; cùng các chuyên gia về trợ giúp xã hội và cán bộ UNICEF, nhằm:
- Đánh giá thực trạng chính sách trợ giúp xã hội dành cho trẻ em tại Đà Nẵng;
- Đề xuất các khuyến nghị chính sách mở rộng, dựa trên phân tích chi phí – hiệu quả và kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Văn Sơn – Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án CFCI thành phố Đà Nẵng – nhấn mạnh:
“Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, trợ giúp xã hội không chỉ là chính sách phúc lợi, mà còn là công cụ thiết yếu để tăng cường khả năng chống chịu cho người dân. Các Nghị định 20/2021 và 76/2024 của Chính phủ đã mở ra cơ hội để các địa phương linh hoạt xây dựng và mở rộng chính sách phù hợp với thực tiễn. Đây là thời điểm thuận lợi để Đà Nẵng thúc đẩy chính sách trợ giúp xã hội cho trẻ em, dựa trên đánh giá toàn diện và nhu cầu thực tế.”

Đại diện UNICEF Việt Nam, bà Nguyễn Thị Trang – Chuyên gia Chính sách Xã hội – chia sẻ:
“Trong những năm gần đây, Việt Nam đang đối mặt với thách thức về dân số khi tỷ suất sinh giảm mạnh, chỉ còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024 – mức thấp kỷ lục. Riêng tại Đà Nẵng, tỷ suất sinh giảm từ 2,9 (năm 2020) xuống còn 2,3 (năm 2023). Xu hướng này đặt ra nguy cơ về mất cân bằng dân số, già hóa lao động và tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế – xã hội trong tương lai. Trong bối cảnh đó, đầu tư cho trẻ em – đặc biệt trong 1.000 ngày đầu đời, được xem là ‘cửa sổ cơ hội vàng’ cho phát triển toàn diện – là chiến lược đầu tư thông minh nhất.”
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Phượng – Trưởng phòng Bảo trợ xã hội và Trẻ em, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng – đã nêu bật một số khó khăn trong quá trình xây dựng nghị quyết mở rộng chính sách TGXH cho trẻ em, bao gồm:
- Cơ sở pháp lý và thực tiễn còn hạn chế;
- Mức trợ cấp và phạm vi chính sách chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế;
- Hiệu quả triển khai chính sách chưa cao;
- Thủ tục hành chính còn phức tạp;
- Khó khăn trong xây dựng chính sách sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính.

Chia sẻ kinh nghiệm từ các địa phương khác, đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh chia sẻ những chính sách đặc thù mà Quảng Ninh đã áp dụng như nâng mức chuẩn trợ giúp gấp 1.4 lần mức chuẩn trợ giúp của NDD76/2024, tỉnh đã mở rộng cho nhiều nhóm đối tượng đặc biệt là đối tượng trẻ em dưới 3 tuổi thuộc hộ nghèo cận nghèo, trẻ bị bạo lực, xâm hại và bóc lột. Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng chia sẻ chính sách trợ giúp mà tỉnh đã mở rộng cho nhóm trẻ em dưới 3 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo và thoát nghèo. Bắc Cạn, tuy là tỉnh nghèo, 100% phụ thuộc ngân sách từ trung ương, nhưng cũng đã có nỗ lực trong việc mở rộng đối tượng. Phát biểu tại hội thảo, đại diện các địa phương đánh giá cao cơ hội được chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các chính sách trợ giúp đặc thù mà Đà Nẵng cũng như các địa phương đã và đang áp dụng.
Hội thảo lần này là một bước đi chiến lược, góp phần giúp thành phố Đà Nẵng tiếp tục đổi mới chính sách an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu đảm bảo mọi trẻ em đều được quan tâm và không ai bị bỏ lại phía sau.
Xem thêm: