Cậu sinh viên tài năng và ngọn lửa sáng tạo được thắp lên từ hội thảo tư vấn thanh niên
![Avatar photo](https://hcadanang.com/wp-content/uploads/2023/11/Copy-of-Primary_Logo-2-150x150.png)
© UNICEF Việt Nam
Võ Nguyễn Đình Trí, cậu sinh viên năm 2 Đại học FPT Đà Nẵng vừa trở về sau sự kiện vinh danh 15 sáng kiến hàng đầu trong lĩnh vực Giáo dục, nằm trong khuôn khổ chương trình “Trí Thức Trẻ Vì Giáo Dục” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Cậu đã có bài thuyết trình tuyệt vời trước ban giám khảo về sản phẩm mới của mình nhằm cải thiện việc giảng dạy trực tuyến giữa đại dịch COVID-19.
![Võ Nguyễn Đình Trí](https://hcadanang.com/wp-content/uploads/2021/07/imagea.jpg)
Trí (đứng giữa) thuộc Top15 nhà sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục năm 2020 được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh. © UNICEF Việt Nam
Trung bình cuộc thi tiếp nhận khoảng 500 đơn đăng ký mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng bài dự thi trong năm này đã tăng vọt lên hơn 2000 bài. Ban giám khảo phải rất khắt khe trong việc tìm kiếm các ứng dụng và dự án độc đáo và có tính thực tiễn cao nhất. Đây không phải lần đầu tiên Trí đạt giải trong cuộc thi về sáng tạo. Năm nay, cậu bạn phát triển dự án của mình trên nền tảng giảng dạy trực tuyến, nhằm giúp các giáo viên thiết kế bài giảng dễ dàng hơn. Điều làm nên sự khác biệt cho sản phẩm của Trí là các tính năng cho phép giáo viên thêm câu hỏi và bài tập trực tiếp vào bài giảng của mình. Các câu hỏi nhằm đánh giá mức độ tiếp thu của học sinh sẽ xuất hiện vào các thời điểm thích hợp trong bài giảng với phản hồi theo thời gian thực. Do vậy, công cụ này sẽ tạo được tương tác hai chiều cho các buổi học trực tuyến, giảm sự nhàm chán và mất tập trung của học sinh và qua đó, cải thiện chất lượng giảng dạy. Nền tảng này đáp ứng tất cả các môn học hiện có trong chương trình, kết hợp cùng công nghệ 3-D để đó học sinh có thể quét hình ảnh 2-D từ sách giáo khoa lên nền tảng và có được những hình ảnh ba chiều sống động.
Trí bắt đầu lên ý tưởng cho sản phẩm của mình kể từ khi làn sóng COVID-19 đầu tiên tác động đến Đà Nẵng vào khoảng tháng 3, tháng 4 năm 2020. Cậu cũng giống các sinh viên khác, cũng phải tham gia các lớp học trực tuyến và trực tiếp trải nghiệm những vấn đề phát sinh từ cách học này. Cậu bắt đầu khảo sát bạn bè để hiểu những khó khăn của mọi người, sau đó hợp tác cùng bảy sinh viên khác để phát triển giải pháp giúp việc giảng dạy trực tuyến trở nên thú vị và hấp dẫn hơn. Đồng thời, nhóm bạn trẻ cũng đã suy nghĩ trước về một cơ chế bền vững trong trường hợp đại dịch kéo dài.
Khi tham dự hội thảo trước cuộc họp do UNICEF và Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức vào ngày 25 tháng 10, cùng hơn 50 thanh thiếu niên khác để thảo luận ý kiến đề xuất với lãnh đạo thành phố nhằm ứng phó với tác động của COVID-19, Trí chỉ mới đi được nửa chặng đường trong dự án của mình.
“Sau khi tham dự hội thảo vào ngày 25 tháng 10 và sự kiện tham vấn vào ngày 27 tháng 10, mình có được rất nhiều ý tưởng và đề xuất từ các bạn trẻ khác. Việc tìm hiểu về những vấn đề và khó khăn của các bạn sinh viên đã giúp mình hình thành đầy đủ ý tưởng cho dự án này. Vậy nên ngay ngày 27/10, mình đã thức trắng đêm để chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia cuộc thi Trí thức trẻ ngành giáo dục”.
![Võ Nguyễn Đình Trí](https://hcadanang.com/wp-content/uploads/2021/07/imageb.jpg)
Trí (mặc áo hoodie đen) đang thảo luận với nhóm của mình về tác động của COVID-19 đối với việc học của học sinh tại hội thảo trước cuộc họp vào ngày 25 tháng 10. © UNICEF Việt Nam
Đầu năm 2019, Trí cùng bạn là Nguyễn Quang Đức thành lập REBO khi còn là học sinh trường THPT Phan Châu Trinh. Họ đã cải tiến sách giáo khoa Sinh học lớp 10 truyền thống bằng việc tích hợp vào đó các công nghệ tiên tiến. Sản phẩm dựa trên chương trình giảng dạy Sinh học tiêu chuẩn, được bổ sung thêm bản đồ tư duy, hình minh họa và các hình ảnh trực quan khác. Ý tưởng kết hợp công nghệ 3-D đã được hình thành từ REBO, nay tiếp tục được tận dụng và mở rộng sang nền tảng giảng dạy trực tuyến của Trí trong năm nay. Việc vừa phát triển REBO, vừa phải chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học đã khiến cặp đôi gặp rất nhiều khó khăn và áp lực. Tuy nhiên, khát vọng làm cho môn Sinh học trở nên hấp dẫn hơn và dễ tiếp cận hơn với học sinh đã thúc đẩy họ đưa ý tưởng công nghệ của mình trở thành hiện thực.
![Võ Nguyễn Đình Trí sản phẩm](https://hcadanang.com/wp-content/uploads/2021/07/imagec.jpg)
Sản phẩm REBO được trưng bày tại sự kiện Google I / O năm 2019. © vnexpress.net
Từ REBO đến nền tảng thiết kế bài giảng, Trí luôn nỗ lực để tiến bộ mỗi ngày. Cậu không ngừng quan sát, lắng nghe và tìm ra những vấn đề mới cần được giải quyết. Dù còn trẻ tuổi, Trí luôn chu đáo và tỉ mỉ trong cách tiếp cận của mình. Trí hướng dẫn và cho phép sinh viên, giáo viên thử nghiệm sản phẩm. Cậu cũng thực hiện các cuộc khảo sát để hiểu nhu cầu của người dùng cuối, cũng như tích cực tham gia các sự kiện để không ngừng nâng cao trình độ của bản thân như cuộc họp trù bị hay các sự kiện tham vấn do UNICEF tổ chức gần đây.
Trí sở hữu cho mình một danh sách giải thưởng và huy chương ấn tượng. Cậu bạn từng đoạt giải Nhất cả 3 cuộc thi công nghệ quy mô lớn, gồm Top 5 dự án Trí thức trẻ vì Giáo dục năm 2019 (do Bộ GD & ĐT công nhận), Quán quân Đà Nẵng Hult Prize on Campus (cuộc thi khởi nghiệp), và năm nay cậu ấy lại lọt vào danh sách những nhà đổi mới hàng đầu. Năm 2019, sản phẩm REBO của Trí nằm trong số 25 dự án được chọn trưng bày tại sự kiện Google I / O. Tính đến đầu năm 2020, REBO đã được hơn 200 học sinh và giáo viên đến từ các trường THPT Phan Chu Trinh và FPT sử dụng. Sản phẩm nhận được sự đón nhận vô cùng tích cực từ người dùng và vẫn đang tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động. Trí hiện là Thủ lĩnh của Developer Student Club tại trường ĐH FPT – một phần trong sứ mệnh của Google Developer nhằm nâng cao kỹ năng CNTT cho sinh viên trên toàn thế giới và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ, qua đó tìm kiếm các giải pháp sáng tạo cho cộng đồng.
![Võ Nguyễn Đình Trí tại google IO](https://hcadanang.com/wp-content/uploads/2021/07/imaged.jpg)
Trí Võ và Đức Nguyễn ra mắt REBO tại Google I / O 2019. © vnexpress.net
Là đồng sáng lập và hiện là thành viên của mạng lưới thanh niên tình nguyện nổi tiếng Đà Nẵng – Junko, Trí rất quan tâm đến các vấn đề xã hội. Cậu đam mê nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ cho cộng đồng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến giáo dục và môi trường. Cậu hy vọng sẽ tiếp tục hoàn thiện hai sản phẩm gần đây của mình và tìm kiếm đối tác để mở rộng quy mô của sáng kiến trên toàn quốc.
Dù rất bận rộn với những dự án của mình, Trí vẫn sắp xếp để có mặt ở cả ba sự kiện của UNICEF trong khuôn khổ Sáng kiến Thành phố Lành mạnh cho Thanh thiếu niên (HCA).
“Theo mình biết thì đây là lần đầu UNICEF tổ chức sự kiện tại Đà Nẵng, vậy nên mình rất ngạc nhiên khi được mời tham dự hội thảo trước cuộc họp và sự kiện tham vấn. Mình tò mò muốn biết các hoạt động của UNICEF tại Đà Nẵng sẽ như thế nào. Và mình thực sự rất thích hai sự kiện này. Qua sự kiện, mình có cơ hội được gặp gỡ những người bạn mới, lắng nghe nhiều ý tưởng và đề xuất của các bạn về nhiều chủ đề khác nhau như sức khỏe hay an toàn trên không gian mạng. Mình vô cùng ấn tượng với sự kiện tham vấn vào ngày 27 tháng 10. Tại đây, chúng mình đã được trò chuyện với lãnh đạo thành phố và hiểu thêm về quan điểm của cán bộ đang làm việc tại địa phương. Mình hy vọng sẽ có nhiều sự kiện như thế này hơn trong tương lai, với thời gian dài hơn nữa, để chúng mình có thể thảo luận và đề xuất ý tưởng từ quan điểm của người trẻ tuổi”. – Trí chia sẻ.
Khi được hỏi làm thế nào để có thể cân bằng giữa khối lượng công việc khổng lồ và các hoạt động xã hội, Trí chỉ cười: “Mình không quá mê tiệc tùng. Mình dành phần lớn thời gian cho việc nghiên cứu và phát triển những ý tưởng mới thôi”.
Trí bày tỏ hy vọng Đà Nẵng sẽ tổ chức nhiều sự kiện hơn nữa để thu hút nhân tài trong lĩnh vực CNTT đóng góp các giải pháp sáng tạo cho thành phố.
“Mình mong UNICEF và Đà Nẵng sẽ chạm đến nhiều người hơn để thúc đẩy phong trào HCA phát triển hơn nữa. Các bạn trẻ với niềm đam mê và sự sáng tạo có thể kết nối và hợp tác cùng nhau để xây dựng một dự án thú vị, như sân chơi kỹ thuật số tích hợp công nghệ tiên tiến chẳng hạn. Mình sẵn sàng đóng vai trò là người cố vấn cho các bạn thanh thiếu niên để đóng góp cho dự án này.”
Cậu bạn kết thúc cuộc trò chuyện bằng một chia sẻ thú vị và đầy cảm hứng:
“Trước khi tham gia hai sự kiện của UNICEF, mình chỉ biết về những khó khăn của sinh viên đại học và hầu như không có khái niệm gì về tương tác trên nền tảng giảng dạy trực tuyến. Nhưng thông qua hội thảo trước cuộc họp và sự kiện tham vấn với các thanh thiếu niên khác, mình đã thấu hiểu hơn những khó khăn và thách thức khác của các bạn học sinh. Mình đã quyết định thử và theo đuổi ý tưởng này. Vậy nên, UNICEF thực sự đã mang đến cho mình một nguồn động lực vô cùng quý giá.”
Câu chuyện của Trí lại ngân vang hy vọng của chúng tôi trên hành trình khơi dậy sự sáng tạo và cảm hứng trong lòng các bạn trẻ. Với niềm đam mê và ý tưởng đổi mới, mạng lưới những tài năng công nghệ như Trí đang ngày càng phát triển và nắm giữ chìa khóa quan trọng để xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố lành mạnh, năng động, thân thiện với trẻ em và thanh thiếu niên, là tấm gương cho nhiều thế hệ thanh niên noi theo.
![Võ Nguyễn Đình Trí tại workshop](https://hcadanang.com/wp-content/uploads/2021/07/imagee.jpg)
© UNICEF Việt Nam