Thanh thiếu niên Đà Nẵng sẵn sàng cho tương lai theo hướng công nghệ
© UNICEF Việt Nam
Đà Nẵng, Tháng 6 năm 2021
Bạn cảm thấy mệt mỏi khi phải học trực tuyến? Cần phải có người nhắc nhở để bạn không buồn ngủ? Đừng lo lắng. Nhóm học sinh trung học 16 tuổi đến từ thành phố Đà Nẵng sẽ cung cấp cho bạn giải pháp với ứng dụng mới nhất dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI).
Ứng dụng đó chính là “I Will Wake You!” (Tôi sẽ đánh thức bạn!), sáng kiến được trao giải nhất cuộc thi Youth-On! Hackathon, một cuộc thi công nghệ do UNICEF Việt Nam và thành phố Đà Nẵng tổ chức trong khuôn khổ Sáng kiến Thành phố Thân thiện với Trẻ em. Ứng dụng được thiết kế để giúp giáo viên cải thiện chất lượng giảng dạy bằng cách giám sát tình hình lớp học thông qua mức độ chuyển động của học viên. Từ đó xác định những người không hoạt động hoặc ngủ gật trong giờ học.
© UNICEF Việt Nam
Được phát triển bởi DTLH, một trong 12 đội thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi, ứng dụng “I Will Wake You” đã được ban giám khảo và khán giả cuộc thi dành nhiều lời khen. Youth-ON! Hackathon là một cuộc thi do Botnar Fondation tài trợ tài chính và Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) và Google Developer Mien Trung (GDG Mien Trung) đồng hỗ trợ tổ chức, diễn ra vào cuối tháng 6 năm 2021 trong bối cảnh Đà Nẵng đang thực hiện tốt công tác giãn cách xã hội và phong tỏa một phần do COVID-19. Vì vậy, tất cả công tác tổ chức và tiếp cận cuộc thi đều được thực hiện trực tuyến.
Lần đầu gặp gỡ nhau vào năm 2019, nhóm DTLH đã được truyền cảm hứng bởi lập trình trong ứng dụng thực tiễn, giúp tạo ra các công cụ để giải quyết vấn đề khác nhau. Dự án này nằm trong chuỗi sáng kiến “Tôi sẽ .. (hướng dẫn/ tập huấn/ trợ giúp)” của nhóm – trong đó có một dự án hướng đến những người bị khiếm thị, với camera cảm biến được thiết lập để gắn vào một cây gậy gửi tín hiệu về chướng ngại vật phía trước người di chuyển.
Trần Nguyễn Thùy Dương, trưởng nhóm DTLH cho biết: “Thế mạnh của nhóm nằm ở việc sử dụng AI để giải quyết vấn đề. “Chúng em rất xúc động khi giành được giải nhất. Cuộc thi đã cho chúng em cơ hội để sử dụng khoảng thời gian nghỉ hè này một cách có ý nghĩa – thay vì mỗi bạn chỉ ngồi một góc tìm kiếm việc gì đó để làm và giết thời gian của mình”.
“Sân chơi này khá rộng lớn và thu hút”, TS. Nguyễn Duy Nghiêm, Giám đốc Đại học Greenwich (Việt Nam) – CS Đà Nẵng, đồng thời là diễn giả/giám khảo của sự kiện cho biết. “Đây là một trong những cuộc thi Hackathon quy mô lớn đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng trong những năm gần đây. Các đội tham gia đã đưa ra rất nhiều ý tưởng sáng tạo. Với tầm nhìn xa về tương lai, chúng ta có thể thấy rõ và tin tưởng vào thế hệ thanh thiếu niên Đà Nẵng sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cao nếu được ươm mầm đầy đủ”.
© UNICEF Việt Nam
Với tư cách là một giám khảo và là một công dân giàu kinh nghiệm, ông Nghiêm cũng chia sẻ quan điểm và hy vọng vào một thế hệ mới phá bỏ những định kiến: “Các em đã dám thử dù thành công hay thất bại đang chờ đợi. Đây không phải là điều thường thấy ở những người con miền Trung.” “Mặc dù Đà Nẵng vẫn đi sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội về môi trường, điều kiện, nhưng những người trẻ này đã cho chúng ta thấy rằng các bạn có thể cạnh tranh tốt trên phạm vi toàn quốc.”
“Nếu được trao đúng cơ hội, người trẻ Đà Nẵng sẽ phát triển mạnh mẽ”.
Được khán giả bình chọn là đội yêu thích, JubiLearn và các thành viên của nhóm xem trang web như một nền tảng giao tiếp hữu ích để học tập, phổ biến kiến thức và kết nối. Họ đã thiết kế một trang web như một cộng đồng hỗ trợ tất cả hình thức trao đổi học tập bao gồm cập nhật tin tức, cung cấp kỹ năng và mẹo dành cho học sinh trung học.
“Đa số chúng em, những người đam mê lập trình đều là phải tự mày mò. Chúng em hy vọng một ngày nào đó lập trình sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy trên trường”, bạn Quang Huy đến từ đội JubiLearn chia sẻ, “Đồng thời, những cơ hội như Hackathon này còn khá ít. Điều em thu nhận được nhiều nhất từ sự kiện này là kinh nghiệm học hỏi từ các trainer, anh chị điều phối và ban cố vấn, những người rất nhiệt tình chia sẻ với chúng em những kiến thức tốt nhất mà họ có. Đó là những gì chúng em cần. “
Đối với các thành viên trong nhóm và nhiều bạn trẻ khác, sân chơi này là bước đầu tiên để họ hướng tới ước mơ của mình. “Đó là bài học đầu tiên, là động lực cho hành trình phía trước của chúng em,” Huy cho biết.
“Các anh chị điều phối và chúng em thường làm việc đến 2 giờ sáng,” bạn chia sẻ. “Mọi người đều có công việc phải hoàn thành vào ban ngày, vì vậy chúng em chỉ có thể liên hệ và nhận tư vấn vào ban đêm. Do đó, các anh chị đã cùng chúng em thức làm việc suốt đêm.”
© UNICEF Việt Nam
Đối với những bạn khác như Hoàng Minh từ đội giải ba N_EURO_N (Neuron) và Việt Long từ đội giải Nhì Rainbow Chicken Gangs, cuộc thi không liên quan nhiều đến kết quả cuối cùng mà là hành trình vượt qua nó. Đây là lần đầu tiên các bạn làm quen với những người bạn mới và làm việc theo nhóm. “Chúng em luôn cố gắng tìm hiểu thế mạnh của nhau và phân chia công việc phù hợp. Em rất ấn tượng với hai bạn nữ trong nhóm, các bạn đã xuất sắc trong việc phát triển nội dung, theo một thời gian biểu nghiêm khắc và làm việc không ngừng nghỉ đến tận 5 giờ sáng mỗi ngày nhưng vẫn luôn đầy năng lượng.”
Kinh nghiệm làm việc nhóm chính là điều đáng quý và đáng nhớ nhất, Quang Tín và Ngọc Quang, cố vấn và điều phối viên của cuộc thi bày tỏ “Chúng tôi hy vọng các đội sẽ tiếp tục với dự án của mình và mở rộng phạm vi ứng dụng thực tế. Các em luôn có một mạng lưới các lập trình viên sẵn sàng hỗ trợ”. “Những nỗ lực của các em chắc chắn sẽ mang lại triển vọng tương lai cho Đà Nẵng và Việt Nam.”
“Công nghệ cung cấp cho chúng ta nền tảng để đi đến tương lai. Dậm chân tại chỗ cũng có nghĩa là bị bỏ lại phía sau ”, ông Nghiêm cho hay. “Trong những thời điểm như thế này, sự kiện đã vượt ra ngoài mục tiêu chính là tập hợp những người trẻ lại với nhau cho công cuộc đổi mới. Nó cho chúng ta thấy được khả năng cống hiến của các bạn và mong muốn được trở thành một phần của tương lai đang đổi thay”.
Thật vậy, chính trong những thời điểm đầy thách thức như thế này, tất cả chúng ta đều một lần nữa học cách cho đi – thông qua khả năng phục hồi và mong muốn phát triển của chính mình.
Click vào đây để xem lại những khoảnh khắc tại Youth-ON! Hackathon.